Thị trường xe máy Việt Nam: Honda và Yamaha chiếm gần 90% doanh số, bắt đầu bão hoà và sẽ không còn tăng trưởng đáng kể
Thị trường xe máy trong nước đang ở giai đoạn bão hòa, mức tăng trưởng sẽ ổn định và không có đột biến trong thập kỷ tới, theo ABeam Consulting (ABeam Việt Nam), công ty tư vấn chiến lược Nhật Bản trong báo cáo mới nhất.
Năm 2020, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, doanh số bán xe máy giảm từ 3,25 triệu chiếc còn 2,84 triệu chiếc tức là giảm 12,6% so với năm 2019. Ngược lại, Việt Nam vẫn là quốc gia có doanh số bán hàng duy trì ở mức ổn định trong suốt thập kỷ qua với khoảng 3 triệu chiếc được bán ra hằng năm.
Dù vậy, từ năm 2010, tỷ lệ giữa số lượng xe máy và ô tô đăng ký tại Việt Nam từ mức 55,9 xe máy/ô tô liên tục giảm xuống tỷ lệ 26,7 vào năm 2020. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người tăng liên tục và đạt 2.785 USD vào năm 2020, tăng đáng kể so với 1.317 USD năm 2010 (CAGR là 7,8%) (World Bank). Không chỉ điều kiện tài chính cải thiện giúp người Việt Nam có thể mua những mặt hàng đắt tiền hơn như ô tô thay vì xe máy, mà cơ sở hạ tầng ở Việt Nam cũng đang được cải thiện với tốc độ nhanh chóng.
Theo những số liệu mới nhất, trong vòng 10 năm qua, tỷ lệ đường rải mặt toàn quốc tăng từ 64,4% năm 2010 lên 84%, trong đó tỷ lệ này ở khu vực nông thôn tăng từ 37,9% vào năm 2010 lên 68,69%. Tổng chiều dài đường cao tốc cũng tăng hơn 10 lần từ 89km năm 2010 lên 1.163 km vào năm 2020, giúp kết nối các thành phố lớn ở Việt Nam và hỗ trợ cả việc sử dụng ô tô.
Hiện, xe máy vẫn được coi là phương tiện giao thông chính ở Việt Nam, khi với tổng dân số 98 triệu người đã có hơn 65 triệu xe máy được đăng ký, có nghĩa là cứ 3 người thì có 2 người sở hữu một chiếc xe máy vào năm 2020. Song, ABeam cho rằng thị trường xe máy tại Việt Nam đang bắt đầu bước sang giai đoạn bão hòa khi số lượng ô tô có xu hướng tăng nhanh. Từ đó cho thấy, với các yếu tố đã đề cập trước đây thì thị trường xe máy sẽ phát triển bền vững hơn với những con số ổn định trong tương lai nhưng sẽ không có sự tăng trưởng đáng kể nào trong thập kỷ tới.
Hiện, thị trường xe máy Việt Nam được thống trị bởi 5 nhà sản xuất lớn Honda, Yamaha, Suzuki, SYM và Piaggio, trong đó Honda và Yamaha chiếm gần 90% tổng số lượng xe máy tiêu thụ tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2021.
Trong đó, Asean là khu vực có vai trò quan trọng với thị trường xe máy toàn cầu, đứng thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khu vực này, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam là 3 quốc gia đứng đầu, tổng doanh số hơn 13,7 triệu chiếc. Đến 2019, tổng số xe máy đăng ký là 106 triệu chiếc tại Indonesia, 62 triệu chiếc tại Việt Nam và 21 triệu chiếc tại Thái Lan.
Bước ngoặt từ thị trường xe máy sang ôtô có thể khác nhau giữa các quốc gia, phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng đường bộ và mức độ bất bình đẳng. Ngoài ra, sau khi nền kinh tế phát triển và thu nhập đạt mức cao hơn nữa, mối quan hệ giữa GDP bình quân đầu người và xe máy trở nên tích cực trở lại, khi người tiêu dùng yêu cầu xe máy động cơ lớn hơn (xe phân khối lớn trên 250 cc) hoặc xe máy điện.
Ví dụ điển hình cho vấn đề này là tại Trung Quốc, nơi số lượng xe máy trên 100 hộ gia đình tại thành thị đã tăng đáng kể từ 6,3 chiếc năm 1995 lên khoảng 25 chiếc năm 2007, sau đó giảm xuống còn khoảng 19 chiếc năm 2019 trong khi GDP của nước này đã tăng đáng kể so với hai thập kỷ qua. Tương tự, tổng lượng bán ra giảm từ 26,6 triệu chiếc trong năm 2010 xuống còn 15,2 triệu chiếc vào năm 2019 (giảm 6,02% hàng năm).
Mặc dù phần lớn thị trường xe máy tại Trung Quốc tập trung phân phối xe cỡ nhỏ, những phân khúc thị trường xe máy động cơ lớn vẫn tăng trưởng cùng lúc. Doanh số bán xe máy dưới 250 cc tại Trung Quốc chiếm 98,7% tổng doanh số năm 2019 (tương đương khoảng 13 triệu chiếc) trong khi xe máy từ 250 cc trở lên ghi nhận 177.000 chiếc bán ra trong năm 2019, tăng mạnh so với khoảng 10.000 chiếc ở 2010. Trung Quốc đa phần xuất khẩu xe máy sản xuất ra nước ngoài, số lượng sản xuất xe máy có động cơ lớn hơn 150 cc từ năm 2015 đến 2018 cũng cho thấy mức tăng từ 787.000 chiếc lên 1,05 triệu chiếc (CAGR là 10,12% trong thời gian khoảng thời gian).
Các quốc gia trong khối Asean với mức thu nhập ngày càng tăng, cùng với các sáng kiến chính sách và cơ sở hạ tầng mở rộng, người dân ở các nước đang phát triển tại khu vực như Thái Lan đã giảm tốc độ trong việc thay thế xe máy cũ và dần chuyển sang việc mua xe du lịch nhỏ. Từ đó, thị trường xe máy cuối cùng dần bị thu hẹp để mở rộng thị trường xe hơi trong khu vực.
Với những luận điểm trên về bức tranh thị trường xe máy, ABeam Consulting ước tính có bước ngoặt và tác động đối với thị trường xe hơi.
Phản hồi