Tối 5/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng cùng 6 thuộc cấp với cáo buộc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, liên quan đến 9 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị hơn 10.000 tỷ đồng của doanh nghiệp là Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Công ty CP Cung điện Mùa Đông.
Trước đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước ngày 3/4 đã có quyết định huỷ bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu này. Tới sáng ngày 5/4, Tập đoàn Tân Hoàng Minh có thông báo gửi khách hàng, cam kết thanh toán đầy đủ cho các trái chủ.
Sự kiện gây chấn động trong giới đầu tư, cũng như dư luận, bởi ông Đỗ Anh Dũng và Tập đoàn Tân Hoàng Minh là những tên tuổi có chỗ đứng nhất định trên thị trường địa ốc.
Sinh năm 1961, sau thời gian khoảng 10 năm công tác tại Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, đến năm 1993, ông Đỗ Anh Dũng chính thức khởi nghiệp ở lĩnh vực taxi và thủ công mỹ nghệ với Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, tiền thân của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Từ năm 2006 trở lại đây, nắm bắt được xu thế thị trường, Tân Hoàng Minh chuyển hướng hoàn toàn sang đầu tư bất động sản bằng cách mua lại những khu đất có vị trí đắc địa để phát triển những dự án hạng sang.
Ở Hà Nội, Tân Hoàng Minh là nhà phát triển đi đầu trong phân khúc hạng sang, với loạt dự án đình đám như D’. Le Pont D’Or (2.224m2), D’. Le Roi Soleil (9.185m2), D’. Palais Louis (4.701m2), D’. El Dorado (2.808m2), D’. Capital (50.000m2), 94 Lò Đúc (3ha), Tổ hợp Tân Hoàng Mai, Dự án Đại Cổ Việt và gần đây, xung quanh khu đất diện tích 0,38ha tại 161 Yên Phụ cũng đã xuất hiện loạt hàng rào mới ghi tên Tân Hoàng Minh. Ở TP.HCM có dự án Cao ốc D’. Saint Raffles tại 43-45-47 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1.
Bên cạnh đó, Tân Hoàng Minh còn nắm quyền chi phối tại CTCP Tổng Bách Hoá, doanh nghiệp có 3 dự án địa ốc với tổng vốn đầu tư lên tới 2.740 tỷ đồng. Trong đó, có 2 dự án tại Hà Nội là Dự án đầu tư khu nhà ở tại 486 Ngọc Hồi (2.100,9 tỷ đồng) và Tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ tại 15 Bích Câu (231,3 tỷ đồng), còn 1 dự án tại Hải Phòng là Tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ và nhà ở tại 23 Điện Biên Phủ, quận Ngô Quyền (407,6 tỷ đồng).
Tính đến ngày 15/5/2021, Tân Hoàng Minh Group có vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng, trong đó ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch HĐQT sở hữu 51,48%, tương ứng mệnh giá 5.148 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020 tổng tài sản của Tân Hoàng Minh ở mức 20.051 tỷ đồng.
Cùng với bất động sản, tài chính là lĩnh vực nhận được nhiều sự quan tâm của doanh nhân họ Đỗ, với CTCP Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Minh Việt (Minh Việt Capital). Tuy nhiên đến giữa năm 2017, nhóm Tân Hoàng Minh đã rút khỏi công ty này, Minh Việt Capital hiện là CTCP Quản lý quỹ PAVO Capital (PCAM).
Đến giữa năm 2021, nhiều cá nhân có liên quan Tân Hoàng Minh đã trở thành lãnh đạo cấp cao và cổ đông lớn tại Chứng khoán Sen Vàng (GLS) sau khi Thuduc House và Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thoái vốn. Rồi đến tháng 2/2022, sau lùm xùm bỏ cọc lô đất trúng đấu giá tại KĐT Thủ Thiêm, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã gây bất ngờ với việc chính thức ra mắt Công ty Chứng khoán Tân Hoàng Minh, dù sau đó đại diện doanh nghiệp này khẳng định đây chỉ là sự sai sót, song đây cũng là động thái đáng chú ý của doanh nhân sinh năm 1961.
Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài vị trí chủ chốt tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng còn nắm giữ cổ phần tại hàng chục đơn vị khác như Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Đô thị Thiên Bình (80,5%); Công ty TNHH TMDVKS Tân Hoàng Minh Retail (90%); Công ty TMDVKS Tân Hoàng Minh Office Rental (95,83%); Công ty TNHH Bất động sản Tân Hoàng Minh Global House (90%), Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Global House (90%), CTCP Tân Hoàng Minh Holdings (85%)…
Thế hệ kế cận của ông chủ Tân Hoàng Minh cũng là chi tiết đáng lưu ý khi đây là cánh tay nối dài của vị doanh nhân này. Cả 3 người con của ông Đỗ Anh Dũng đều đang nắm giữ cổ phần tại các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tân Hoàng Minh, như cậu cả Đỗ Hoàng Minh với vị trí Chủ tịch CTCP Nhà D’Land hay 10% cổ phần tại THM Golbal House, cậu thứ Đỗ Hoàng Việt với 19% cổ phần tại CTCP Quản lý Bất động sản Ánh sáng Việt, Tổng giám đốc tại Công ty TNHH Khu công nghệ cao Tân Hoàng Minh Thái Nguyên hay cô em út Nguyễn Anh Sa sinh năm 1994 với vị trí Tổng giám đốc tại 4 doanh nghiệp là CTCP Quản lý BĐS D’Home, Palais Louis, Công ty TNHH Star Rise và Công ty TNHH Citiwork Việt Nam.
Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam tối 5/4 với ông Đỗ Anh Dũng, còn có con trai thứ Đỗ Hoàng Việt, được giới thiệu là Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh. Để duy trì ổn định tình hình công ty, ông Dũng đã uỷ quyền cho ông Đỗ Hoàng Minh (hay còn gọi là Dennis Đỗ) – Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh điều hành Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ông Đỗ Hoàng Minh là con trai cả của ông Đỗ Anh Dũng.
Những thương vụ đấu giá ồn ào
Cuối năm 2021, thị trường bất động sản choáng váng trước mức giá 24.500 tỷ đồng mà Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên Tập đoàn Tân Hoàng Minh) chấp nhận bỏ ra để sở hữu lô đất vàng hơn 10.000m2 tại KĐT mới Thủ Thiêm, tương đương đơn giá 2,45 tỷ đồng/m2, là mức giá kỷ lục từ trước đến nay.
Sẵn sàng trả mức giá “không tưởng” trong cuộc đấu giá gay cấn với quyết tâm sở hữu bằng được mảnh đất kim cương, song không lâu sau đó, ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh lại bất ngờ có tâm thư về việc xin bỏ cọc và chấp nhận chế tài khi đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất ở bán đảo này. Trong tâm thư, Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh nêu lý do “nhận thấy kết quả đấu giá sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong lĩnh vực kinh tế nói chung, bất động sản nói riêng” nên xin bỏ cọc (588,4 tỷ đồng).
Thông tin này lập tức gây xôn xao dư luận, dù vậy, nên biết đây không phải lần đầu tiên Tân Hoàng Minh bỏ cọc. Trước đó, vào tháng 6/2015, Tân Hoàng Minh từng trúng thầu khu đất vàng 3.000m2 tại số 23 Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM với mức giá cao nhất 1.430 tỷ đồng (cao gấp 2,6 lần giá khởi điểm) rồi sau đó đề nghị huỷ kết quả vì cho rằng đơn vị tổ chức có sai phạm về bước giá. Đến tháng 6/2016, doanh nghiệp này lại đề nghị được tiếp tục mua lô đất trên. Do quá thời gian quy định, ngoài số tiền trúng đấu giá, Tân Hoàng Minh phải nộp thêm hơn 260 tỷ đồng tiền phạt.
Khi đó, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cho biết quý 3/2017 sẽ khởi công xây dựng khu phức hợp văn phòng, trung tâm thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, sau đó việc khởi công không được thực hiện. Đến năm 2019, mảnh đất này đã được chuyển nhượng cho Techcombank.
Tân Hoàng Minh cũng được nhắc đến nhiều vào năm 2007 khi mua khu đất rộng gần 4.000m2 cách hồ Gươm khoảng 100m để phát triển dự án có tên thương mại là D’ San Raffles. Mảnh đất nhỏ, nhưng lại toạ lạc ở vị trí ‘kim cương’ giữa trung tâm thành phố nên đã nổi đình đám trong quá trình giải toả mặt bằng. Trong khu đất này, có đất của một nhà máy bia rộng 3.700m2 và hầu như không vướng mắc trong việc đền bù giải toả. Phần đất còn lại của các hộ dân không nhiều nhưng lại tốn nhiều chi phí, công sức, tiền bạc và mất tới bốn năm mới giải toả xong.
“Chỉ có 293m2 nhưng tôi trả 265 tỷ đồng, tức gần 1 tỷ đồng/m2. Cuối cùng, vẫn phải cưỡng chế mới giải phóng xong mặt bằng”, ông Dũng từng chia sẻ. Tuy nhiên sau hơn một thập kỷ thì vào giữa năm 2020, ông Dũng cho biết chưa thể triển khai do chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý, trong đó có việc tính toán tiền sử dụng đất, do đó Tân Hoàng Minh đã tiến hành chuyển nhượng dự án này cho một đối tác chuyên về bất động sản hạng sang đến từ phía Nam là Masterise Group – pháp nhân cùng nhóm Techcombank. Sau chuyển nhượng, dự án đã được chủ mới khởi công và giới thiệu ra thị trường với giá bán lên đến hàng trăm tỷ đồng/căn hộ.
Phản hồi